Thanh Chiêm
nơi khai sinh chữ Quốc ngữ
Hơn hai thế kỷ tồn tại trên đất Thanh Chiêm, Dinh trấn Quảng Nam không những đã giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và mở mang đất nước của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà còn là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ – một công cụ vô cùng quý giá cho chúng ta sử dụng và hội nhập với thế giới.
![]() |
Bia dinh trấn Thanh Chiêm được người dân dựng lên ở thôn Thanh Chiêm 1 (xã Điện Phương). |
- Chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự La tinh để ghi âm tiếng Việt, ra đời vào đầu thế kỷ 17, là công trình của nhiều giáo sĩ, người tiên phong sáng tạo ra thứ chữ này là Francisco de Pina cùng những người Việt cộng tác với ông.
“Francisco de Pina là người Bồ Đào Nha, sinh ở thành Guarda vào năm 1585” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, Roland Jacques, nxb Khoa học Xã hội 2007, tr.25), năm 19 tuổi ông trở thành thầy tu Dòng Tên. Từ năm 1611 đến 1617 Pina theo học ngành khoa học xã hội và thần học ở Macao. Tại đây ông đã may mắn được học với giáo sĩ Rodrigues – nhà ngữ học đã soạn cuốn từ vựng và văn phạm tiếng Nhật phiên âm bằng chữ cái La tinh dựa vào cách phát âm của tiếng Bồ.
Pina được cử đến Đàng Trong, ông cập bến Đà Nẵng đầu năm 1617, sau đó vào Hội An ở tại nhà các giáo dân Nhật Bản để truyền đạo. Giữa năm 1617, do bị thiên tai hạn hán, quần chúng đổ tội cho các giáo sĩ Dòng Tên và yêu cầu chúa Nguyễn trục xuất họ. Năm 1618, ông cùng Francessco Buzomi và Cristoforo Borri được quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón vào Nước Mặn. Pina sinh sống tại đó ít lâu, sau được chuyển về giúp đỡ Nhật kiều Công giáo tại Hội An. Khoảng năm 1621, ông lên ở hẳn tại Thanh Chiêm. Trong thư gửi cho cha bề trên ở Macao, ông viết: “Năm vừa qua, con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeanne ở Kẻ Chàm… Một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường” (Sđd, tr.45).
Năm 1625, trú sở Thanh Chiêm được thành lập, Giáo sĩ F. Pina được cử làm cha bề trên cai quản nơi đó cho đến lúc qua đời trong một tai nạn vào ngày 16.12.1625.
- Tại Việt Nam, Pina đã tự nguyện lao vào việc nghiên cứu chữ viết và xứng đáng là nhà tiên phong đặt nền móng cho việc sáng chế chữ Quốc ngữ. Về ghi âm tiếng Việt, Pina có sẵn mô hình đã được hoàn thiện từ tiếng Romaji của Nhật Bản, dựa trên ngữ âm và các quy ước viết của tiếng Bồ (Sđd, tr. 56, 57). Trước đó gần thế kỷ, các giáo sĩ Dòng Tên đã có những công trình nghiên cứu tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc và đã xuất bản các cuốn từ điển có phiên âm sang tiếng La tinh chứ không riêng gì ở Việt Nam. Chính Pina đã được rèn luyện một số kỹ thuật chủ yếu và ông đã dựa vào kinh nghiệm cũng như phương pháp của các công trình trước đó để thực hiện công việc nghiên cứu chữ Quốc ngữ với mục đích đào tạo cho những đồng huynh trẻ hơn sử dụng tốt tiếng Việt.
Lúc bấy giờ ở Đàng Trong, các giáo sĩ đã thiết lập được hai trú sở, một ở Hội An và một ở Nước Mặn, nhưng cha bề trên cai quản các trú sở này lại không nói được tiếng Việt, khi giảng đạo, các giáo sĩ phải dùng người phiên dịch nên hiệu quả không cao vì vậy các giáo sĩ trẻ phải gấp rút học tiếng Việt. Pina phải học với một nỗ lực phi thường để có thể đảm đương mọi công việc nặng nề của giáo hội, chẳng bao lâu ông đã nói thông thạo tiếng Việt, tự mình có thể truyền giáo không cần người thông dịch. Pina phát hiện tiếng Việt có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải biết xướng âm trước đã sau đó mới học các chữ. Không nắm được cốt lõi này thì không thể học tiếng Việt được. Ông nghiên cứu ngữ âm, ngữ pháp tiếng bản xứ, cho nên không những ông nắm bắt vững chắc cách phát âm, cách dùng từ của ngôn ngữ Việt mà còn sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh.
Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phê rô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Ki tô giáo, có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.
Ông cũng đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của tiếng Việt và đang nghiên cứu ngữ pháp. Thực hiện những công trình này, ngoài những cố gắng vượt bậc của ông còn có sự hỗ trợ đắc lực của các nhà thông thái người bản xứ. Đó là các thanh niên giáo dân, các nho sĩ, các nhà sư, các trưởng tôn phái, các quan lại nghỉ hưu…
- Pina xác nhận không đâu lý tưởng hơn Dinh Chiêm, cơ quan đầu não của xứ Quảng Nam, vì chỉ có nơi này mới quy tụ nhiều người trí thức cần thiết cho công trình nghiên cứu tiếng bản xứ của ông. Trong bức thư gửi Khâm mạng Jeronimo Rodriguez Senior ở Macao, ông viết: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là nho sĩ. Gần họ những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ” (Sđd, tr. 43).
Pina chọn Kẻ Chàm vì ông muốn học một ngôn ngữ thuần khiết: “Ở đây người ta nói rất hay” và tránh ảnh hưởng của các hiện tượng ngôn ngữ lai như đã xảy ra ở Hội An. Vì Hội An là trung tâm kinh tế, cư dân ở đây rất hỗn tạp, tiếng nói ở Hội An không đạt chất lượng, Pina nghĩ rằng nơi này không thể là nơi học tiếng Việt được. (Sđd, tr. 27).
Nhận xét của Pina được các công trình khoa học ngày nay khẳng định: tiếng nói ở các địa phương khác nhau hay cách nói hổ lốn ở “Phố Khách” đặc biệt rất xa với tiếng nói chuẩn (Đoàn Thiện Thuật – Tiếng Hội An và Hoàng Thị Châu – Về một ngôn ngữ lai ở Hội An – Đà Nẵng vào thế kỷ 18, Tác phẩm Đô thị cổ Hội An, tr.151-159 và tr.161-166).
Theo Nguyễn Đình Đầu, Hội An và Đà Nẵng là các trung tâm kinh tế của Quảng Nam, là các thành phố mở cửa, có nhiều người ngoại quốc đến đầu tiên. Những người này, trái lại, vắng mặt ở Kẻ Chàm/ Dinh Chiêm, mặc dầu tên gọi như vậy nhưng là một thị trấn thuần túy Việt Nam, ở đây người ta nói thứ “ngôn ngữ đúng” như thư của Pina cho ta biết.
Cuối năm 1624, Alexandre De Rhodes được cử đến Đàng Trong, ông đã cùng giáo sĩ Antonio de Fontes về Thanh Chiêm để làm phụ giảng cho Pina, nhưng công việc khẩn thiết hơn hết là để học tiếng Việt với bậc thầy “giảng giáo lý không cần thông dịch”.
Thanh Chiêm có vinh dự là trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của cả nước, là nơi quy tụ những nhà tiên phong khai sinh chữ Quốc ngữ. Tại Thanh Chiêm, Pina còn đào luyện những người Việt Nam học tiếng Bồ Đào Nha để làm thông dịch viên cho các giáo sĩ.
CHÂU YẾN LOAN
———————————–
‘Ngôn ngữ thứ bậc của Tiếng Việt tạo bất bình đẳng’
‘…Tiếng Việt là bản sắc văn hóa của chúng tôi, chúng tôi không thể thay đổi được.” Nhưng điều đó lại càng sai, vì tiếng Việt luôn thay đổi, nó là sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ khác. Bạn có thể không hiểu gì nếu nghe tiếng Việt của 400 năm về trước…’
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images
Tôi nhớ lại mấy năm trước sống ở Thái Bình để học tiếng Việt, tôi từng bị buộc phải tôn trọng những người mà tôi thấy không thực sự xứng đáng tí nào.
Đang ngồi nhậu với đồng nghiệp tại quán nhậu, một người lớn tuổi hơn tôi chút xíu, bước đến, miệng phà khói thuốc vào mặt tôi, và nói:
“Uống đi!”, ông cầm cốc bia và ép tôi uống.
Tôi không biết ông ta, nhưng muốn làm quen theo kiểu cha mẹ người của người khác như vậy thì thật bất lịch sự.
“Jesse, đây là sếp của anh, phải uống với anh ấy đấy!”. Tất cả mọi người đều phải uống với ông ta, vì thế tôi cũng không phải ngoại lệ, tôi không vui tí nào.
Trong mắt một người phương Tây như tôi, ông ấy thật là kiêu ngạo và bất lịch sự, tôi rất muốn nói thẳng suy nghĩ của mình và đề nghị ông ta đừng lại gần tôi nữa. Nhưng mục đích đến đây là để hòa nhập văn hóa Việt Nam, nên tôi kiềm chế sự nóng giận và rời bữa tiệc.
Tôi từng nghĩ những người Việt Nam không biết xếp hàng và các vấn đề nhức nhối trong xã hội có một sự liên kết mạnh mẽ với nhau.
Tôi bị ám ảnh nhiều năm liền, cứ đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho các vấn đề lớn nhất trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là giao thông.
Bây giờ tôi phát hiện ra rằng nguyên nhân rõ ràng và sâu xa nhất chính là ngôn ngữ. Tiếng Việt lập trình cho mình cấp bậc, tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội.
Chúng ta có thể nhận ra những biểu hiện nhỏ của vấn đề này; nhiều người không xếp hàng ở siêu thị, ngân hàng… đặc biệt là ở sân bay.. Người Việt Nam sẽ đi thật nhanh đến cổng và đứng giữ chỗ ở đó thật lâu, trong khi những người ngoại quốc khác sẽ ngồi ở băng ghế đợi đàng hoàng cho đến khi không cần phải xếp hàng lâu nữa.
Ở Canada, có một kiểu lái xe gọi là “defensive driving” – lái xe phòng thủ, nghĩa là luôn cảnh giác và hoàn toàn tập trung khi tham gia giao thông, phong cách này còn gọi là “lái xe như thể tất cả mọi người xung quanh đều say rượu”.
So sánh với cách lái xe ở Việt Nam, tôi gọi nó là “lái xe hung hăng”. Mọi người ở đây thích chèn ép và bắt nạt người khác trên đường, đèn đỏ, kể cả vỉa hè cũng không phải là một trở ngại khó đâu. Kiểu cư xử như này gọi là “hỗn loạn”, thái độ “me first” – tôi đi trước cơ!
Như con gà và quả trứng, cái nào có trước? Xã hội như thế là vì giao thông, hay vì giao thông nên xã hội thành ra như thế? Hành vì “tôi đi trước” liên quan chặt chẽ đến sự tham nhũng, lạm dụng quyền hành và chủ nghĩa thân hữu.
Gần đây tôi có tham gia sự kiện “chuyến xe văn minh” để giải quyết vấn đề giao thông, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ giải quyết được gì. Khá nhiều người trong chính phủ muốn làm gì đó cải thiện vấn đề, như ông Đoàn Ngọc Hải làm vỉa hè TP. HCM đẹp và an toàn, nhưng vẫn không thể “bẻ khoá”.
Tôi nghĩ vấn đề thực sự nằm ở sâu bên trong con người, ngôn ngữ và lối tư duy.
Charlemagne, vua của người Frank và là hoàng đế Cơ-đốc của Tây Âu đã từng nói: “Biết ngôn ngữ thứ hai là sở hữu linh hồn thứ hai.”
Tùy vào ngôn ngữ mình sử dụng và ngôn ngữ đó có tính chất như thế nào, thì tính cách mình sẽ được định hình theo vậy. Những lúc nói tiếng Việt hay tiếng Nhật, thì cách cư xử của tôi sẽ khác nhau.
Hơn thế nữa, ngôn ngữ luôn trong quá trình phát triển và thay đổi. Ngôn ngữ của con người giống như một hệ điều hành máy tính vậy, luôn cần phải loại bỏ một số chương trình cũ, nâng cấp và cài thêm chương trình mới.
Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam quên mất rằng tiếng Việt, hay cả tiếng Anh, Pháp… đều liên tục thay đổi và phát triển.
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM – ‘Lái xe hung hăng’ kiểu Việt Nam
‘Tiếng Việt chuẩn từ Hà Nội’
“Tiếng Việt Hà Nội là chuẩn nhất đấy”, “muốn học tiếng Việt thì Hà Nội là đúng chuẩn”…
Nhiều người nói với tôi như thế, và tôi thấy ý kiến đó có vấn đề. Khi bạn nói “tiếng Việt Hà Nội là chuẩn” thì giống như việc bạn đến một con sông, nói rằng khúc này là “chuẩn nhất” của con sông, trong lúc con sông vẫn cứ đi và thay đổi liên tục.
Lối suy nghĩ “ngôn ngữ như thế này là chuẩn” rất nguy hiểm, điều này kiềm hãm sự phát triển của ngôn ngữ, khiến nó mắc kẹt trong quá khứ.
Gần như hầu hết các ngôn ngữ là sự pha trộn nhiều thành phần của những ngôn ngữ khác lại với nhau, đặc biệt khi ngôn ngữ khác mang lại những khái niệm mới.
Ngôn ngữ là công cụ giúp chúng ta giao tiếp và suy nghĩ, nó định hình tư duy của chúng ta. Đến bây giờ, vẫn có một số ngôn ngữ chưa có hệ số đếm.
Có vô số người săn bắt hái lượm sống sâu trong rừng Amazonia, dọc theo các nhánh sông của con sông lớn nhất thế giới. Thay vì sử dụng các từ chỉ số lượng chính xác, bộ lạc này chỉ sử dụng các thuật ngữ tương tự với “một số ít” hoặc “một số”. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu một số người trưởng thành ở Nicaragua, những người không bao giờ được dạy đếm số.
Khi không có bộ đếm số, họ không thể phát triển được nền khoa học văn minh. Đây chỉ là một ví dụ dễ hiểu về một khái niệm được thêm vào trong ngôn ngữ.
Ngôn ngữ có thể cản trở người sử dụng. Một ví dụ mà ngôn ngữ đã thay đổi hãng hàng không Hàn Quốc mãi mãi; tác giả người Canada/Do Thái Malcolm Gladwell viết về hệ thống đại từ danh dự trong Hàn Quốc đã hạn chế giao tiếp trong xã hội.
(hệ thống đại từ của Tiếng Hàn https://en.wikibooks.org/wiki/Korean/Personal_pronouns)
Khoảng cuối những năm 1990, tỷ lệ tai nạn máy bay của Korean Air nhiều hơn hầu hết các hãng hàng không khác trên thế giới. Điều mà họ đang phải vật lộn chính là nền văn hoá, văn hoá Hàn Quốc có thứ bậc. Bạn phải có nhiệm vụ tôn trọng, bảo vệ người lớn tuổi và cấp trên của bạn đến mức người Mỹ không thể tưởng tượng ra được. Chẳng hạn về một vụ tai nạn máy bay nổi tiếng ở đảo Guam của Korean Air. Chuyến bay gặp một chút rắc rối về thời tiết. Viên phi công mắc lỗi và người phi công phụ đã không sửa lỗi cho anh ta. Khi Korean Air nhận ra rằng vấn đề của họ chính là văn hoá, họ đã lập tức xử lý nó. (Malcolm Gladwell (2008), Fortune)
Giải pháp của Korean Air là ngôn ngữ: Chỉ sử dụng tiếng Anh giao tiếp trong buồng lái. Bởi tiếng Anh khá trung lập, không như tiếng Hàn. Tiếng Anh tương đối không tạo khoảng cách quyền lực.
Korean Air suy đoán rằng các phi công phụ cảm thấy ít bị ức chế hơn khi nói lên vấn đề trong trường hợp phi công chính mắc lỗi bằng tiếng Anh. Sau khi chính sách ngôn ngữ mới được áp dụng, hồ sơ an toàn hàng không của Hàn Quốc cải thiện đáng kể.
Tiếng Việt lập trình hành vi của người Việt
Từ ví dụ trên, chúng ta có thể kết luận rằng, hệ thống kính ngữ trong tiếng Hàn rõ ràng đã ảnh hưởng đến quyết định của viên phi công phụ. Nó tự động chia thứ bậc mọi người trong tiềm thức, xoá bỏ sự bình đẳng. Đó là lý do dẫn đến nhiều vấn đề trong xã hội.
Tiếng Việt lập trình mọi người theo một con đường không bình đẳng.
Như lúc sếp đến và ép tôi uống bia với ông, xưng “chú” và “cháu”, trong khi tôi không biết ông là ai. Điều đó không đúng vì sự tôn trọng phải xứng đáng, chứ không phải tự động mà có.
Ở phương Tây, chúng tôi không thể núp sau một tấm kính, nghĩa là “đại từ”. Mỗi lần gặp nhau, sự tôn trọng giữa hai người sẽ dần dần được xây đắp, bằng cách hiểu nhau hơn, đánh giá xem người ấy có phải là người tốt hay không, họ có cống hiến gì cho xã hội, hoặc cách cư xử của họ trong buổi đầu gặp mặt.
Chính vì vậy, mình không có “tấm kính” – đại từ – để bảo vệ và che chắn danh tính mà mình phải tự thân vận động để tìm được sự tôn trọng từ đối phương, giao tiếp tốt, thật thà.
Rất nhiều lần tôi gặp một nhóm chuyên gia, nhà báo… những người lớn tuổi hoặc “có vị trí cao hơn trong xã hội”, nhưng khi gặp họ lần đầu, họ không nhìn thẳng vào mắt nhau, không tự giới thiệu tên. Câu đầu tiên thường nghe sẽ là “bạn bao nhiêu tuổi” để xác định vị trí của mình.
Độ tuổi không quan trọng nếu muốn xây dựng một hệ thống bình đẳng. Phương Tây rõ ràng tốt hơn về khả năng giao tiếp; họ sẽ nhìn thẳng vào mắt người đối diện để cho người khác biết họ là người như thế nào, nhanh chóng giới thiệu tên, và lịch sự dùng “cảm ơn”, “vui lòng”, “xin lỗi”, “tôi chấp nhận lỗi sai này”… để bảo vệ uy tín cá nhân và tìm kiếm sự tôn trọng từ người khác.
Cần cởi bỏ ‘tấm kính’
Có thể một số người sẽ đáp trả: “Tiếng Việt là bản sắc văn hóa của chúng tôi, chúng tôi không thể thay đổi được.” Nhưng điều đó lại càng sai, vì tiếng Việt luôn thay đổi, nó là sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ khác. Bạn có thể không hiểu gì nếu nghe tiếng Việt của 400 năm về trước.
Cách giải quyết đơn giản là mình phải cởi bỏ lớp áo giáp “bằng kính” đấy, chỉ sử dụng đại từ “tôi” và “bạn”, tập trung vào sự bình đẳng xã hội.
Trong một gia đình, hệ thống đại từ rất bình thường, có cả những cách gọi đặc biệt cho các thành viên trong đại gia đình, nhưng nó không phù hợp cho môi trường chuyên nghiệp.
Những doanh nhân trẻ muốn tạo ra các doanh nghiệp được xây dựng dựa trên những ý tưởng tốt nhất, tư duy tự do nhất, thể hiện các thể loại chiến lược đầy tính táo bạo mà không bị kiềm hãm với thái độ như:
“Anh lớn tuổi hơn em/ Anh là trưởng phòng, chức cao hơn em / Bố tôi là chủ tịch vì vậy tôi đúng”
Thay vào đó, hãy bước đi với sự trung thực và bình đẳng trần trụi, hiểu rằng chúng ta không hơn ai hết, và để xã hội trở lại trật tự với những vỉa hè sạch sẽ, các con đường an toàn.
Jesse Peterson
———————————————————————————————————————
Không phải trồng răng giả nữa:
Không phải trồng răng giả nữa: Khoa học đã tìm ra cách giúp bạn mọc lại răng mới chỉ sau 2 tháng
Con người chúng ta chỉ có thể thay răng một lần vào hồi bé, khi những chiếc răng sữa rụng dần để nhường chỗ cho “bộ nhá” mỗi người đang có hiện nay. Hay nói cách khác là nếu bạn mất răng ở tuổi trưởng thành, cái răng ấy cũng vĩnh viễn không thể mọc lại được.
Và hóa ra, câu chuyện mất răng hiện cũng đang là vấn đề của vô số người. Theo thống kê thì ít nhất 1/4 người trưởng thành sẽ mất hết răng trước khi chạm ngưỡng 74 tuổi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn giọng nói, khả năng ăn uống… Chất lượng cuộc sống vì thế cũng thấp hơn rất nhiều.
Giải pháp duy nhất cho câu chuyện này ở thời điểm hiện tại là trồng răng giả. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có những điểm hạn chế về sự thoải mái, hoặc qua thời gian có thể trở nên không khớp với răng tự nhiên của chúng ta.
Nhưng bạn biết không, chúng ta sắp có giải pháp thay thế rồi. Các nhà khoa học hiện đang nắm trong tay công nghệ cho phép chúng ta mọc lại chiếc răng đã mất chỉ sau 9 tuần, chứ không phải trồng bất kỳ cái răng nào vào miệng nữa.
Cụ thể thì các nhà nghiên cứu từ Viện y ĐH Columbia (New York, Mỹ) đã từng hy vọng rằng họ có thể sử dụng tế bào gốc của con người để giúp họ tái tạo lại răng của mình. Nghiên cứu từng được đưa ra vào năm 2012, trong đó chỉ ra rằng chiếc răng mới sẽ mọc ra từ chính hốc răng cũ, thậm chí có thể tự kết nối với mô lợi.
Khả năng này cũng được chứng minh trong nghiên cứu lần đó, chỉ là ở trên chuột thôi. Thí nghiệm của họ được thực hiện trên 22 con chuột – tất cả được cấy tế bào kích thích tái tạo vào miệng. Kết quả, răng mới đã có dấu hiệu xuất hiện chỉ trong vòng 9 tuần, cũng là lần đầu tiên khoa học chứng minh được tế bào gốc có thể giúp răng mọc lại trên cơ thể sống.
Ở thời điểm ấy, các nhà khoa học tin rằng nếu quy trình này có thể áp dụng thành công trên con người, thì đó sẽ là bước đột phá lớn đối với ngành nha khoa. Bởi lẽ những chiếc răng trong nghiên cứu không chỉ mọc lên từ đúng hốc răng đã mất, mà còn không cần phải mất công lấy thêm tế bào gốc xung quanh để tạo ra môi trường cho nó phát triển.
Nói cách khác, đây sẽ là một giải pháp cực kỳ hiệu quả về mặt kinh tế. Ngoài ra, vì răng được tái tạo ngay trong miệng, người được cấy sẽ tốn ít thời gian để hồi phục hơn, cũng như giảm rủi ro răng mới mọc lại đã… rụng.
Sau 6 năm, nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện và đã có những kết quả tốt. Theo tiến sĩ Adam Celiz – một nhà khoa học vật liệu, thì con người đang có những tiến bộ rất ấn tượng về câu chuyện tái tạo răng cho con người. Chính bản thân Celiz cũng đã đứng đầu một nghiên cứu để tạo ra loại nhựa mới có thể áp dụng vào răng để kích thích tế bào gốc, cho phép răng khôi phục lại khi bị sâu.
Dù vậy, công nghệ hiện vẫn chưa thể ứng dụng quá đại trà. Hay nói cách khác, lắp răng giả hiện vẫn là lựa chọn phổ biến nhất nếu chẳng may bạn rụng mất một vài cái răng. Nhưng trong tương lai sớm thôi, mọi khổ sở khi trồng răng sẽ biến mất, nếu công nghệ này thành công.
———————————————-
Giờ giấc uống thuốc trong ngày
Đa số thuốc có thể uống giờ nào trong ngày cũng được.
Nên uống thuốc khi nào cho tốt?
Trong một bài viết trước, tôi đã trình bày, đa số thuốc có thể uống giờ nào trong ngày cũng được, vì phần nhiều thuốc được chia làm hai, hay ba lần mỗi ngày, chỉ trừ một số thuốc, mà phần nhiều liên hệ đến bệnh tim mạch, hay hội chứng “mỡ, đường, máu.”
Thứ nhất, thuốc statin, giảm cholesterol, tốt nhất uống ban đêm, sau buổi cơm tối, vì 70% cholesterol được sản xuất ra trong khi ngủ.
Kế đến là thuốc Metformin, trị bệnh tiểu đường, thường thì được chia ra làm 2 hay 3 cử, nên uống viên cuối cùng trước bữa cơm tối, nhưng đừng gần giờ đi ngủ quá, vì sẽ làm cho lượng đường trong máu xuống thấp khoảng 3, hay 4 giờ sáng, làm mất giấc ngủ.
Riêng thuốc trị bệnh cao huyết áp, “cao máu,” theo một nghiên cứu từ trường Bioengineering and Chronobiology Labs at the University of Vigo in Spain, dựa trên 19,084 bệnh nhân, so sánh uống thuốc vào buổi sáng và vào giấc tối, thì nên uống trước giờ đi ngủ sẽ có lợi hơn. Những người uống thuốc hạ huyết áp vào buổi tối, nguy cơ bị tử vong vì bệnh tim, đột quỵ tim, suy tim, hay bị tai biến não, sẽ giảm đi 45% đến 66%.
Một số bác sĩ khuyên bệnh nhân uống thuốc vào buổi sáng vì áp suất thường tăng cao khi mới thức dậy, và chuẩn bị cho một ngày làm việc trước mặt, nhưng điều nầy không đúng, dựa trên nghiên cứu mới nầy.
Một lý thuyết cho rằng, áp suất thường tăng cao trong khi ngủ, nếu giấc ngủ không được sâu, nhất là cho những người bị bệnh mất ngủ. Đây là mối liên hệ giữa bệnh mất ngủ và bệnh cao huyết áp, phần nhiều huyết áp tăng cao, kéo dài trong ngày sau một đêm ngủ không ngon.
Bệnh cao huyết áp là nguyên nhân giết người cao nhất, thường là thầm lặng. Vì thế, ngoài việc uống thuốc đều đặn, nên tìm cách giảm stress, thay đổi nếp sống càng sớm càng tốt.
Nên tránh tham khảo “bác sĩ Google”
Tự chẩn bệnh bằng cách tham khảo “bác sĩ Google” thường sẽ dẫn ta đi lòng vòng như vào ma trận, tạo thêm những lo âu không cần thiết.
Ví dụ, để tìm nguyên do bị đau xương sườn, có thể dẫn tới những lo âu về bệnh tim mạch, bệnh ung thư, hay bệnh xuất huyết. Ví dụ khác, bị nhức đầu, hơi sốt vì bị cảm cúm, khi tham khảo Google, có thể tự đặt mình vào những trường hợp bệnh như nhiễm trùng máu, bướu não, hay xuất huyết não chẳng hạn.
Nghiên cứu cho thấy, tự tìm hiểu triệu chứng trên mạng thường dẫn đến những kết luận sai lệch. Do vậy, tham khảo triệu chứng với “bác sĩ Google” thường là nguy hiểm cho tính mạng, khi mà kiến thức y khoa căn bản không có.
Tự chẩn bệnh bằng cách tham khảo “bác sĩ Google” thường tạo thêm những lo âu không cần thiết. (Hình minh họa: Getty Images)
Tại sao nên tránh tra cứu Google về tình trạng sức khỏe?
Thường thường, có hai khuynh hướng: Có khi ta thường hay phóng đại các triệu chứng và tự chữa bệnh… trật. Ngược lại, có khi ta lại tự phủ nhận những triệu chứng có thật, đi tra cứu để tìm cách bỏ qua các triệu chứng báo trước của một căn bệnh nguy hiểm.
Thêm vào đó, là nguy cơ hình thành một tình trạng gọi là “sợ bị bệnh” và ngược lại, gọi là bị bệnh tưởng… tượng. Càng tra cứu trên mạng, dễ đưa đến tình trạng, sợ phải “chạm mặt” với bác sĩ.
Kiến thức y khoa trên mạng thuộc vào diện, thượng vàng hạ cám, không biết đâu là đúng, đâu là sai, phần nhiều là tin đồn hoảng. Cho dù đúng đi chăng nữa, phần nhiều lại vượt quá tầm hiểu biết của người trung bình.
Để tìm hiểu cho đúng mức độ chính xác của bài viết y khoa:
1-Nên chú trọng ở một số website có khả tín, ví dụ như Web MD chẳng hạn. Nhưng nên tránh wikipedia, vì ở đây, ai cũng có thể “đóng góp” mà không có kiểm chứng.
2-Khi đọc một bài viết y khoa, nên tìm hiểu về căn bản của người viết, trình độ y khoa của tác giả, xem có đáng tin cậy hay không.
3-Khi tác giả nêu một số nghiên cứu, cần nêu rõ nguồn của nghiên cứu ấy, từ trung tâm hay bệnh viện nào, đăng trên báo nào. Nếu cần, tìm đến nguồn xuất xứ của nghiên cứu ấy để đọc.
4-Khi đọc một nghiên cứu, cần phải biết thêm nghiên cứu ấy có nhận thêm nguồn tài trợ tài chánh của ai khác hay không. Ví dụ, một số hãng thuốc cho tiền đài thọ một nghiên cứu có lợi cho thuốc của họ, thì cũng nên cẩn thận chừng mực về mức độ khả tín.
5-Cần tìm hiểu xem nghiên cứu nầy có được sự phê chuẩn của các đồng nghiệp cùng ngành nghề hay không?
6-Cần tìm hiểu xem nghiên cứu nầy đã được nghiều nghiên cứu khác nêu tên hay không?
7-Cần tìm hiểu xem nghiên cứu ấy cũ hay mới. Một nghiên cứu xảy ra hơn 10 năm có thể không còn đúng nữa.
Nói chung, khi mà chúng ta không chắc, thì nên đi tham khảo với bác sĩ, người thật, việc thật, là nhanh nhất và trung thật nhất. Bạn có thể hỏi bác sĩ về một số điều “học hỏi” được trên mạng, nhưng tránh không nên thách đố bác sĩ về những kiến thức được truyền xuống từ “thầy Google.” Nên nhớ, để trở thành một bác sĩ, phải trải qua nhiều năm học chứ không phải vài giờ hay vài ngày trên net.
BS.Hồ Ngọc Minh