Nỗi Lòng Thiếu Nữ
Hai tuần lễ sau khi tôi đặt chân lên đảo Guam, Quốc hội Hoa kỳ thông qua đạo luật Cứu trợ Dân Di cư và Tỵ nạn Đông dương 1975 cấp ngân khoản cho bộ Ngoại giao và bộ Y tế, Giáo dục, và An sinh để xúc tiến chương trình định cư cho những kẻ mất quê hương, và chấm dứt những ngày khắc khoải đợi chờ của họ. Tổng cộng trên 130 ngàn người sẽ được chở bằng máy bay vào bốn trại tỵ nạn ở (lục địa) Hoa kỳ trong chiến dịch Người Mới Đến (New Arrivals) di chuyển và nuôi ăn ở cho đến khi người tỵ nạn đi định cư và hội nhập vào xã hội Hoa kỳ. Mỗi trại do một binh chủng phụ trách điều hành: Căn cứ Không quân Eglin của Không quân ở tiểu bang Florida, Đồn Chaffee của Lục quân ở Arkansas, Trại Pendleton của Thủy quân Lục chiến ở California, và Đồn Indiantown Gap của Hải quân ở Pennsylvania.
It ai biết rõ địa điểm trại tỵ nạn có ảnh hưởng thế nào đến việc định cư và tương lai của mình; đối với nhiều người, lựa chọn trại sẽ đến không phải là chuyện dễ dàng. Trong cuộc bàn tán về đêm ở “Ngã Năm Quốc tế,” anh Bảng là người lớn tuổi và hay than phiền nhất bọn càu nhàu,
“Mấy anh Mỹ thật rắc rối! Sao không chỉ định quách cho xong, chứ dân ngu khu đen như đám ‘danh ca’ thì biết nơi nảo nơi nao mà chọn với lựa?” “Danh ca” (“đánh cá” không bỏ dấu tiếng Việt) là lối gọi mỉa những người làm nghề chài lưới.
“Anh trở thành ông cụ khó tính nhất thiên hạ lúc nào vậy? Người ta cho anh tự do lựa chọn, anh than phiền; nếu mà bắt anh đi chỗ không vừa ý, anh có chịu yên không?” anh Hán cười trêu anh Bảng và bồi thêm, “Thế mới biết,
Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.” (Ca dao)
“Con nhà Bảng khéo lo bò trắng răng, cha nó lú thì chú nó khôn, ‘danh ca’ i tờ rít thì đã có cha xứ ‘nàm’ cố vấn tối cao. Chỉ có mấy tên ‘trí thức tiểu tư sản’ đầu có sạn như mình mới lo lắng bàn tới bàn lui mỏi miệng mà chẳng đến đâu,” anh Luật hùa theo chọc quê anh Bảng.
Anh Bảng bực mình hỏi vặn,
“Vậy cậu đi nơi nào và tại sao, nói thử tôi nghe?”
“Tớ đi Đồn Chaffee ở Arkansas. Tiểu bang đó nằm cạnh Kansas là nơi tớ sống chín tháng khi theo học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Đồn Leavenworth. Dễ như bỡn ấy mà!” anh Luật trả lời rồi quay sang hỏi tôi, “Còn cậu Ba Hoa tính ‘nàm thao’?”
“Em đi Trại Pendleton. Chọn California vì em có nhiều bạn đồng nghiệp đã du học tại Đại học California Long Beach và hy vọng sẽ móc nối kiếm được chân dạy học tại đó. Quỳnh Châu tốt nghiệp Đại học Stanford ở bắc California, và gia đình anh Leon bạn em cũng ở đó. Anh ấy đang ở bên Nhật và sẽ bay về Mỹ gặp em sau khi em tới nơi,” tôi đã bàn với Quỳnh Châu và dự tính từ trước.
“Vậy tôi cũng đi California như cậu,” anh Hán suy nghĩ một lát rồi nói.
“Tôi cũng đi California. Xong rồi,” anh Bảng quyết định nhanh chóng không ngờ.
Tôi chợt thấy một thiếu nữ nãy giờ lảng vảng sau lưng tôi. Tôi ngoảnh cổ nhìn và bắt gặp một đôi mắt long lanh mà rụt rè; nàng bước lại chào với giọng nói run run,
“Thưa thầy . . . Em là Vân Bình học lớp đệ nhị niên ban điện tử.” Nàng là một sinh viên xuất sắc học với tôi niên khóa vừa qua ở Phú Thọ, và nếu không mất nước, sẽ là một nữ kỹ sư điện tử đầu tiên tốt nghiệp tại Việt nam.
“A, chị Bình, tôi nhớ trong lớp chị ngồi ở bàn đầu và học rất giỏi. Trên tàu Hải quân tôi có gặp Ninh học cùng lớp với chị.”
“Dạ, em gặp Ninh và được Ninh cho biết. Mấy hôm nay em ra đây mà chỉ đứng xa xa nhìn không dám lại chào thầy,” nàng rơm rơm nước mắt.
“Sao vậy? Tôi ít có thì giờ chuyện trò với sinh viên, nhưng trong trường luôn luôn xem mình là đàn anh của các anh chị thôi. Chị đi với ai, gia đình đâu?”
“Dạ, em lạc ba má và đi với thằng em,” nàng khóc ròng kể lại cuộc ra đi bất ý của chị em nàng.
Cha Vân Bình trước là hạ sĩ quan phục vụ trong quân đội, đánh giặc bị thương, và giải ngũ ở nhà trông nom cửa hàng tạp hóa giúp vợ. Vân Bình lớn nhất nhà, và hai em thì đứa lớn mười bốn tuổi và con bé út chín tuổi. Ngày 30 tháng Tư, cha nàng đưa gia đình ra bến tàu Sài gòn tìm đường di tản. Từ nhà ở Gò Vấp, Vân Bình đi xe gắn máy chở cậu em, và cha nàng chở vợ và bé út bằng chiếc xe thứ hai. Khi đến gần trung tâm thành phố, hai xe lạc nhau trong cảnh náo loạn súng nổ đạn bay. Vân Bình lo sợ quay xe trở lại tìm cha mẹ và đi lạc loanh quanh một hồi lâu thì bất ngờ ra được bến tàu. Nàng vừa khóc vừa hỏi người chung quanh xem có ai trông thấy cha mẹ nàng ở đâu không. Một quân nhân chỉ vào chiếc ghe nằm sát bờ bảo theo ghe ra chiếc tàu đậu giữa sông, biết đâu cha mẹ nàng đã lên tàu. Nàng nghe lời dắt em lên tàu, chưa kịp tìm thì tàu đã ra đi. Hai chị em thành bơ vơ không cha không mẹ.
Cảnh ngộ đáng thương của cô học trò mười chín tuổi lần đầu tiên ra khỏi tầm tay cha mẹ khiến tôi xúc động và nắm tay nàng an ủi. Vân Bình ôm tôi khóc nấc, vai áo tôi ướt đẫm nước mắt. Khi cơn đau buồn dịu lại, nàng bẽn lẽn buông tôi ra,
“Xin lỗi thầy, đáng lẽ em không được làm phiền thầy.”
“Không sao đâu, chị cứ khóc đi cho vơi bớt lo buồn. Chị sẽ đi trại nào bên Mỹ?”
“Dạ em không biết. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ em phải quyết định việc gì cho mình.”
“Tôi có ý kiến này: Hay là chị nhập bọn với vợ chồng tôi và bốn đứa em đi Trại Pendleton; mình sẽ nương tựa lẫn nhau. Cô em gái tôi cũng tên Bình, nhưng là Ngự Bình vì nó sinh ra ở Huế. Chị và chú em sẽ giống như em trong gia đình tôi.”
Vân Bình suy nghĩ khá lâu rồi lay tay tôi,
“Thầy không cần hỏi ý kiến cô hay sao?”
“Không cần, nếu vợ tôi biết hoàn cảnh của chị, cô ấy càng mong chị và chú em đi chung,” tôi biết Quỳnh Châu rất hay giúp người.
“Những lời thầy nói với đứa học trò bất hạnh này là cả một niềm khích lệ vô biên, trên cả mọi điều em từng mơ ước, và đủ cho em thấy đời đáng sống. Nhưng xin cho em không nhận lời thầy. Em ở chung lều với gia đình một bác Hải quân; vợ chồng bác nói sẽ bảo bọc hai chị em đi Pennsylvania,” tôi nghe như nàng nói không thật lòng.
“Nếu vậy, chị phải hứa với tôi một điều: Chị sẽ phấn đấu trở lại đại học để không mai một tài năng của mình. Đầu óc dân Phú Thọ mình không thua kém bất cứ thiên tài khoa học nào trên thế giới cả. Nhớ nghen.”
* * *
Mùa hè năm 1985, làm kỹ sư kế hoạch cho một công ty tiện ích, tôi được gửi đi dự khóa học theo lối hội thảo về phương pháp giải những bài toán liên quan đến hệ thống điện lớn. Khóa học do trường Kỹ sư của Đại học Tiểu bang Ohio ở thủ phủ Columbus tổ chức và giảng dạy. Tài liệu quảng cáo giới thiệu giảng viên chính,
Tiến sĩ B.V. Erickson, Giáo sư Diễn giảng, là một chuyên gia có thẩm quyền nhất thế giới về ngành này. Lúc gia nhập ban giảng huấn Đại học Tiểu bang Ohio, bà là vị giáo sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử của viện đại học. Bà đã đoạt nhiều giải thưởng của các hội chuyên gia kỹ thuật điện ở Hoa kỳ và trên thế giới.
Tôi ngạc nhiên sửng sờ khi bước chân vào lớp buổi học đầu tiên: vị giáo sư trẻ tuổi nổi danh ấy là cô học trò cũ của tôi – Vân Bình. Học viên lễ phép gọi nàng là “Tiến sĩ Erickson” hay “Giáo sư Erickson,” và không ai thắc mắc tên viết tắt “B.V.” là gì. Tôi đoán đó là “Bình Vân” và Erickson là họ chồng nàng; đàn bà tây phương lấy họ chồng khi lập gia đình. Khóa học kéo dài từ thứ Hai đến trưa thứ Sáu, chiều thứ Sáu học viên ra phi trường bay về nhà trước cuối tuần. Chương trình học cô đọng từ một giảng khóa cao học dạy suốt một lục cá nguyệt nên cả giảng viên lẫn học viên đều phải tận dụng mọi thì giờ trong lớp để có thể bao quát mọi đề tài cần thiết, và tôi và Vân Bình không có dịp nói chuyện riêng với nhau. Sáng thứ Năm, nàng xuống bàn lặng lẽ đưa cho tôi tờ giấy nhắn bằng tiếng Anh hẹn đi ăn tối.
Vân Bình đến đón tôi ở khách sạn trong chiếc áo dài màu trắng đơn sơ trông không khác gì cô sinh viên rụt rè e lệ ngày trước ở Phú Thọ. Trước khi tôi tìm ra cách xưng hô thích hợp bằng tiếng Việt, nàng run run,
“Thưa thầy, em xin được gọi thầy bằng ‘anh’ và xin . . . anh coi em như chị Ngự Bình.”
“Vậy thì còn gì hay bằng! Anh cũng đang băn khoăn không biết gọi . . . bà thầy làm sao cho thích hợp. Nếu dựa vào câu nhất tự vi sư, bán tự vi sư (dạy một chữ cũng là thầy mình, dạy nửa chữ cũng là thầy mình), hai đứa mình ở trong nghịch lý không rõ ai thầy ai trò,” tôi mỉm cười trút đi một gánh nặng.
“Anh khéo nói đùa thì thôi, khi nào mà em không kính trọng anh là thầy em,” đôi mắt nàng sáng lên, và nàng tóm tắt cuộc sống mười năm qua, “Từ đảo Guam, em đi Đồn Indiantown Gap. Ở trong trại gần hai tháng, hai chị em được vợ chồng ông giáo sư viện Đại học Pennsylvania ở thành phố Philadelphia bảo trợ, và em được tiếp tục đi học, mà lại học trường Ivy League tăm tiếng đó. Nhớ lời căn dặn thương yêu của anh, em học ngày học đêm nên từ năm thứ ba kỹ sư đến khi trình luận án tiến sĩ mất không tới năm năm.”
“Ivy” là dây thường xuân, và “Ivy League” là nhóm trường đại học lâu đời và nổi tiếng ở miền đông bắc Hoa kỳ như Đại học Pennsylvania, Đại học Harvard, Đại học Princeton, v.v. Ở những trường này, các tòa nhà cổ bằng gạch có dây thường xuân leo bao phủ trên tường. Tôi không thấy Vân Bình đeo nhẫn cưới nên hỏi dò,
“Bình lấy họ mới Erickson hồi nào mà không mang ông xã theo cho vui?”
“Không phải đâu anh, ai mà thèm lấy em! Trong hai năm đầu tiên, em tận lực dò hỏi tin tức ba má và cuối cùng gặp người hàng xóm cũ tận mắt thấy ba má và nhỏ út bỏ mình vì đạn lạc trên đại lộ Hàm Nghi gần bến tàu. Ông bà bảo trợ không có con nên xin nhận hai chị em làm con nuôi, vì vậy em mang họ Erickson gốc gác bên Na Uy. Em thành đạt hôm nay là do hồi đó dun rủi chọn đi Pennsylvania, và do lúc nào cũng nghĩ tới anh.”
Tôi nhớ lại lần cuối gặp Vân Bình và thắc mắc,
“Tại sao Bình không đi Trại Pendleton với gia đình anh?”
“Anh bắt em phải thú thật hay sao? Hồi đi học, em không nhút nhát hay e thẹn như anh tưởng. Ngày học trung học ở trường Lê văn Duyệt, em chọc phá như điên, thầy cô nào cũng ngán. Lên đại học, em dạn dĩ như con trai và sẵn sàng cãi tay đôi với bất cứ giáo sư nào – trừ anh ra. Hồi đó anh nghiêm thật nghiêm, em và các bạn chưa bao giờ thấy anh cười. Không biết sao khi anh vào lớp dạy là em im thin thít mở miệng không ra, mong được anh chiếu cố nhìn xuống một lần là em vui cả tuần. Tụi bạn nói em phải lòng ông ‘Ba Bông héo’ – cái tên em đặt riêng cho anh. Đó là lý do em tới Ngã Năm Quốc tế tìm gặp anh,” nàng cười thẹn thùng.
“Anh yêu mến học trò và hết lòng giảng dạy, nhưng anh trẻ tuổi và vụng về trong việc giao tiếp nên cố tình nấp sau bộ mặt xa cách lạnh nhạt cho . . . yên thân,” tôi giải thích.
“Em biết mà! Sau khi tò mò tìm hiểu đời tư của anh và biết rõ mối tình bất hủ của anh và chị Quỳnh Châu, em tự hứa sẽ không bao giờ xen vào giữa làm phiền anh chị. Khi gặp em ở đảo Guam, anh tốt bụng đến nỗi kêu ngay con nhỏ đi chung với gia đình anh. Em sung sướng tột cùng và càng quý trọng và yêu anh nhiều hơn. Xuýt nữa em nhận lời, nhưng đột nhiên trong đầu có tiếng nhắc nhở, ‘Không được, không thể làm phiền, và phải sống xa anh chị ấy.’ Em đi Pennsylvania; đó là chỗ xa anh nhất.”
Tôi không khỏi tự hỏi, nếu lúc đó nàng thuận đi California với chúng tôi, cuộc đời nàng sẽ ra sao. Ông Trời có lối sắp đặt bí ẩn cho từng người dưới trần thế. Đố ai đoán được ý ông xanh.
Nguyễn Ngọc Hoa